Tìm kiếm

Chiến thắng ung thư vú bằng tình yêu của gia đình

Khi biết mình bị ung thư, tôi cũng như bao người khác, thấy trời đất tối sầm trước mặt mình, tôi đã ngồi lặng ở cổng bệnh viện K rất lâu, rồi mới báo cho người thân. Cả nhà tôi hốt hoảng, lo lắng vô cùng.

Tôi thích nói về “toà thiên nhiên” mà tạo hoá ban cho phái đẹp những mỹ từ như “gò bồng đảo”, “nơi mềm mại thu”… Vậy mà quái ác thay, tôi phải dùng một từ đau đớn nhất để nói về vẻ đẹp của mình. “Gò bồng đảo” của tôi đã bị cắt phẫu thuật phẳng lì cộng với những vết sẹo không có gì đẹp đẽ. Mái tóc đẹp tuyệt vời mà mỗi khi ai khen tôi lại phải thanh minh: Tóc giả đấy. Còn nữa, người Việt Nam vẫn có thói quen nghĩ rằng những người bị bệnh như tôi chắc kiếp trước sống chả ra gì nên kiếp này phải trả nợ. Vậy nên tôi chả muốn nói với ai là tôi bị ung thư.

Vậy mà hôm nay tôi lại ngồi viết những dòng này.

Một người bạn tôi mới quen trên mạng chưa lâu, chúng tôi chỉ biết nhau qua BLOG. Đọc những dòng viết của tôi trên BLOG, tìm thấy sự đồng cảm trong văn học và thi ca, anh mời tôi làm cộng tác viên cho tờ báo tacphammoi.net của anh, đó là nhà báo Cao Thâm, chịu trách nhiệm nội dung chính của báo. Mới gửi cho anh bài thứ hai thì tôi đọc bài VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC EM TÔI, anh viết về cái chết của người em ruột anh ấy.

Tôi bàng hoàng, không ngờ chuyện buồn anh vẫn nói trên BLOG của anh cũng chính là nỗi đau mà tôi đang gánh chịu, em trai anh ấy chết vì bệnh ung thư. Tôi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Đã đến lúc, căn bệnh ung thư chẳng chừa một ai. Hôm nay bạn rất khoẻ, rất yêu đời, ngày mai một tờ xét nghiệm báo bạn bị ung thư như một án tử hình treo trên đầu. Làm thế nào để vượt qua?

Cô Nguyễn Thị Hương – tác giả bài chia sẻ và Thương Sobey – Người sáng lập BCNV

Khi biết mình bị ung thư, tôi cũng như bao người khác, thấy trời đất tối sầm trước mặt mình, tôi đã ngồi lặng ở cổng bệnh viện K rất lâu, rồi mới báo cho người thân. Cả nhà tôi hốt hoảng, lo lắng. Con trai đầu của tôi đang làm việc ở TPHCM lập tức bay ra, nhờ các mối quan hệ tìm các bác sĩ tốt nhất ở viện K để khám chữa cho tôi. Chị gái tôi chạy đôn chạy đáo tìm người quen, tìm những người đã bị ung thư hỏi kinh nghiệm, lên mạng để tìm hiểu về căn bệnh này. Chồng và con trai út thì cứ ngồi nắm tay tôi và không cho tôi làm một việc gì cả.

Tôi chọn bệnh viện K để điều trị, mọi sự chuẩn bị đâu đấy, chỉ còn 1h đồng hồ nữa là phẫu thuật thì chị gái và con trai tôi đến, nhất định bắt tôi phải dừng lại để ra nước ngoài chữa. Ra nước ngoài chữa thì tôi làm gì có tiền? Tôi không muốn đi. Nhưng con trai tôi bảo: “Con đang định mua nhà ở TPHCM, lúc khác con mua cũng được, bây giờ chữa bệnh cho mẹ là quan trọng”. Chị gái tôi bảo: “Nếu cháu không đủ tiền thì chị bán nhà đi để chữa cho em, em không phải lo nghĩ gì”.

Thế là tôi sang Thái Lan chữa bệnh. Sang Thái chữa bệnh, tôi có thuận tiện hơn những người khác là tôi có người anh trai ở bên ấy. Anh tôi lo cho tôi chỗ ăn ở và đi lại khám bệnh. Con dâu tôi đang học ở Úc, cháu xin bảo lưu để về chăm sóc tôi. Chị gái tôi, vừa nghỉ việc nên có điều kiện về thời gian để sang Thái cùng với tôi. Chồng tôi và con trai út ở lại Hà Nội lo mọi việc. Thời gian phẫu thuật, hoá trị của tôi kéo dài nửa năm, nửa năm đau đớn đó tôi đã vượt qua nhờ sự yêu thương của gia đình. Sự quan tâm của họ hàng và bạn bè thân thiết.

Chính sự yêu thương, sự quan tâm lo lắng của người thân đã làm tôi thay đổi thái độ. Tôi không muốn nhìn thấy nỗi buồn và lo lắng trên gương mặt những người thân yêu của tôi. Tôi nhớ đến một bộ phim Hàn Quốc kể về chuyện một cô gái bị bệnh ung thư và thấy mình thật may mắn vì đã xem bộ phim đó:

Phim kể về một gia đình trí thức trẻ ở Seoul, hai vợ chồng và hai đứa con đang sống rất hạnh phúc thì bỗng nhiên người hàng xóm của họ bị ung thư. Cô vợ hoảng sợ, liền bắt cả nhà đi khám kiểm tra thì mới biết chính cô bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn. Phim Hàn Quốc khá dài dòng nên tôi không đi vào tiểu tiết. Chỉ kể rằng cô có điều kiện kinh tế đầy đủ, người yêu cũ lại là bác sĩ ở đấy nên cô được hưởng những chế độ chữa tốt nhất, trong khi đó, người bạn ung thư cùng phòng là một nông dân nghèo, bà không có tiền để chữa nên đã bỏ về quê, khi chia tay bà đưa địa chỉ của mình cho cô gái. Cô gái biết mình sẽ không qua khỏi nên chán nản và không thiết chữa bệnh, rồi một ngày đẹp trời, cô trốn khỏi những người thân, cô tìm đến người bạn nông dân kia. Khi cô đến, khác với những gì cô tưởng tượng, bà nông dân đó đang trồng bắp cải, vườn bắp cải rất tốt, cô rất ngạc nhiên hỏi, và bà nông dân vui vẻ trả lời, đại ý là bà rất thích trồng bắp cải, rất thích nhìn vườn rau xanh tốt của mình, và bà ấy sẽ còn trồng và chăm sóc rau, dù là ngày mai bà ấy chết. Cô gái ở lại căn nhà đó và cùng chăm sóc vườn rau với bà nông dân. Chính ở nơi đây, tình yêu cây cối vườn tược, tình yêu lao động của người nông dân đã tác động mạnh đến cô gái. Sau ít hôm, cô quay lại Seul giữa lúc người nhà đang hoảng loạn vì không tìm thấy cô. Từ giờ phút ấy, cô quyết định những ngày còn lại trên thế gian của mình phải là những ngày đẹp nhất và có ích nhất cho những người thân yêu. Cô nén nỗi đau của mình, tham gia các hoạt động xã hội, dạy hai đứa con nhỏ từng ly từng tí, và lúc nào cô cũng chăm chút cho hình ảnh của mình thật đẹp, cô muốn khi ra đi, cái lưu lại trong con cái về cô là những điều đẹp nhất. Có một chi tiết trong câu chuyện mà mỗi lần nhớ đến tôi đều thấy nghèn nghẹn muốn khóc. Đó là khi cô gái ngồi kiểm điểm những việc mình dạy các con, cô vuốt tóc đứa con gái 10 tuổi và nói: 

– Còn gì nữa nhỉ? Còn gì mẹ chưa dạy cho con gái của mẹ nhỉ? Phải rồi, mẹ chẳng thể nào dạy được con cách chọn bạn trai.

Đứa con gái vô tư:

– Con biết chọn bạn trai rồi mẹ ạ.

– Con chọn thế nào?

– Con chọn người giống bố và em, có được không mẹ?

– Đúng rồi, nếu con chọn được bạn trai giống bố và em, thì mẹ yên tâm rồi.

Đấy là một gia đình hạnh phúc và đầy tình thương yêu. Họ không thể chống chọi lại được mệnh trời. Hàng ngày họ đến nhà thờ và cầu nguyện, cầu nguyện cho cô gái đó chết không đau. Ngày ra đi, cô gái đó chỉ còn da bọc xương, cô đi rất vui vẻ, chỉ xin mọi người đừng khóc và hãy sống hết lòng yêu thương nhau.

Bộ phim để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc và tôi quyết định sẽ sống như cô gái đó, những ngày cuối của đời mình sẽ là những ngày đẹp nhất, vui nhất, làm những điều tuyệt vời nhất cho những người thân yêu của tôi. Khi con dâu và chị gái chăm sóc cho tôi, họ cứ sợ tôi đau nên rất gượng nhẹ, còn tôi đau lắm nhưng vẫn cười, giấu nỗi đau của mình đi. Tác dụng của việc hoá trị là tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng đồng thời nó cũng tiêu diệt luôn các tế bào khác, nên chỉ buồn nôn thôi, không muốn ăn. Tội nghiệp con dâu tôi, cháu loay hoay tìm kiếm đồ ngon vật lạ, tự tay chế biến cho tôi (cháu không cho người giúp việc nấu, sợ không an toàn và kém ngon), tôi bảo cháu: “Mẹ ăn cái gì cũng như trấu, con đừng vất vả làm gì, mẹ biết mẹ phải ăn để có sức chống cự với bệnh tật”. Thực sự mỗi lần ăn uống đối với tôi như tra tấn nhưng tôi bắt mình phải ăn hết những thứ con đã nấu, tôi không muốn phụ lòng con.

Mới đó mà đã 5 năm rồi, tôi vẫn phải uống thuốc phòng và khám định kỳ. 5 năm qua, tôi đã được sống những ngày cuối của mình trong tình yêu tràn ngập của gia đình và bạn bè. Tôi có thêm cháu nội và đã đủ sức khoẻ để vào TPHCM chơi với con cháu. Thấy sức khoẻ của tôi cải thiện nhiều khi vào TPHCM, con trai đã mua cho tôi một căn hộ tuyệt đẹp bên bờ sông Sài Gòn, đầy nắng và gió. Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lòng chào đón tôi. Tôi yêu thành phố này, tôi đã có những chiếc áo đẹp che đi bộ ngực xấu xí của tôi, tôi đã có mái tóc thật đẹp tuyệt mà bạn bè mơ ước, khi tôi nói chuyện ở Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, nhiều người không tin người đàn bà trẻ trung xinh đẹp, đầy sức sống đó đang đối diện với thần chết, nhiều người đã ôm tôi và khóc. Tôi thấy mình Hạnh phúc.

Nhận bó hoa tươi thắm từ BTC chương trình 

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, điều duy nhất làm tôi buồn là sự nhớ thương Hà Nội, mảnh đất tôi đã sống hơn 50 năm da diết. Để vượt qua những nỗi đau riêng của bản thân, tôi tìm đến với thơ văn. Và lần nữa, thơ văn lại đem hạnh phúc đến cho tôi. Tôi tin những ngày cuối của đời tôi là những ngày đẹp nhất.

 
Nguyễn Thị Hương  

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 – 2013.

 


[1] Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm (Hồ Xuân Hương)

[2] Cài khuy áo lại đi em/Kẻo trăng rớt xuống nơi mềm mại thu (Bình Địa Mộ