Tìm kiếm

Bài tập thể chất tốt nhất dành cho phụ nữ sau điều trị ung thư vú

Hai nghiên cứu tách biệt chỉ ra rằng việc chạy bộ góp phần giảm tỉ lệ tử vong hiệu quả hơn hẳn so với việc đi bộ điều này sẽ khiến những người sống sót sau điều trị ung thư vú tha thiết mong trở về với cuộc sống thường nhật có thể thêm hào hứng tập luyện thể chất nhiều hơn. Tương tự, một nghiên cứu mới công bố gần đây đã cho thấy những bệnh nhân tập luyện yoga bộc lộ mức độ viêm nhiễm thấp hơn và sinh lực được tăng cường.

Trong nghiên cứu đầu tiên, được công bố trên tờ Tạp chí ung bướu quốc tế (International Journal of Cancer), các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Berkeley đã theo dõi 986 đối tượng sống sót sau điều trị ung thư vú. Sau chín năm nghiên cứu, có 33 người qua đời trong số 714 người thường xuyên đi bộ và 13 người qua đời trong số 272 người tham gia chạy bộ.

 

Khi hai nhóm đối tượng nghiên cứu được phân tích độc lập, các nhà nghiên cứu đã nhận ra tỉ lệ tử vong của nhóm người chạy bộ thấp hơn so với nhóm người đi bộ. Theo như các con số được trích dẫn dựa trên các số liệu ‘đương lượng chuyển hóa – metabolic equivalent (gọi tắt là MET) thì nguy cơ tử vong của người chạy bộ giảm hơn 40% trong mỗi giờ trao đổi chất/ một ngày.
MET – “Metabolic Equivalent of Task” hay “metabolic equivalent” là tỉ lệ chuyển hóa – hay còn gọi là tỉ lệ của việc tiêu thụ năng lượng – trong suốt một hoạt động thể chất cụ thể nào đó đối với một tỷ lệ chuyển hóa có tính tham chiếu. Trong trường hợp này là một giờ chuyển hóa với việc chạy bộ 1 kilomet (km).
Thực tế là những người chạy bộ trung bình 3.6 km một ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong của bản thân đến 95% so với những ai không theo đủ chế độ luyện tập được khuyến cáo.
Trong khi đó, những người đi bộ lại chỉ có thể giảm nguy cơ tử vong chừng 5% trong một giờ trao đổi chất/ một ngày.
Từ những phát hiện này, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên có thói quen tập luyện thể chất thường xuyên, cần bao gồm cả chạy bộ và các hoạt động thể lực cường độ mạnh hơn để có được những lợi ích sức khỏe to lớn hơn.
Yoga giúp tăng cường sinh lực và làm giảm sự viêm nhiễm.
Với những người bệnh dù đang trong giai đoạn điều trị hay đang phục hồi dần từ sau điều trị, thường bị suy nhược cơ thể và cảm thấy kiệt sức, nên bắt đầu các bài tập yoga ít chuyên sâu về tim mạch. Một nghiên cứu độc lập mới chỉ ra luyện tập yoga trong vòng ba tháng có thể giúp bệnh nhân ung thư vú giảm mệt mỏi và mức độ viêm nhiễm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio (Ohio State University) đã tuyển chọn 200 phụ nữ hoàn thành điều trị ung thư và được phân loại là những người mới tập yoga. Các nhà khoa học nói về nghiên cứu này như là một thử nghiệm lâm sàng được xem là lớn nhất có tính kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo được tính ngẫu nhiên hóa, thử nghiệm này bao gồm cả các biện pháp sinh học.
Những người phụ nữ này được chia ra thành hai nhóm trong hơn 12 tuần, một trong hai nhóm là nhóm đối chứng (control group – nhóm này không tập luyện yoga). Nhóm phụ nữ tập luyện yoga hai buổi một tuần, mỗi buổi 90 phút và những người này được khuyến khích tiếp tục tập luyện yoga tại nhà.
Tại thời điểm sáu tháng, tức là ba tháng kể từ sau khi các phụ nữ tham gia nghiên cứu hoàn thành khóa luyện tập yoga, những người này cho biết trung bình mức độ mệt mỏi của họ giảm đi 57% so với nhóm đối chứng – những người vẫn giữ nếp sống sinh hoạt bình thường.
Mức độ viêm nhiễm vốn là yếu tố dẫn đến các bệnh tim mach, tiểu đường, viêm khớp, bệnh Alzheimer (một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi) cũng được làm giảm 20%.
Janice Kiecolt-Glaser, tác giả chính chia sẻ “Một trong những vấn đề những người phụ nữ này phải đối mặt đó là sự suy giảm đáng kể về thể lực và sức khỏe tim mạch. Việc điều trị thường rất nặng nhọc, gây suy nhược nghiêm trọng và vì thế họ thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Những phụ nữ này càng ít luyện tập thể chất thì càng khó có khả năng chịu đựng điều trị. Nó là một vòng xoáy trôn ốc theo chiều đi xuống.”
“Đó là lý do chúng tôi nghĩ rằng những người sống sót sau điều trị ung thư vú có mức độ viêm nhiễm cao hơn hình thường, điều này nghĩa là các can thiệp giúp giảm thiểu viêm nhiễm có thể mang lại những lợi ích đầy tiềm năng cho họ.
Thao Duyen Pham Le ( Dịch từ Huffingtonpost.ca) 
BCNV 2/2014
BCNV cố gắng hết sức trong khả năng có thể để cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất cho những người Việt Nam không may mắc ung thư vú.
Tuy nhiên BCNV không thể đảm bảo hay chịu trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý về tính cập nhật hay hoàn chỉnh của những thông tin này, cũng như không chịu trách nhiệm về các mất mát, tổn thương nếu có khi sử dụng thông tin trong bài viết. Tuy vậy, BCNV chào đón và trân trọng mọi góp ý mang tính xây dựng từ chuyên gia, bác sĩ, người bệnh và những người có quan tâm để bài viết chuẩn mực và có giá trị khoa học để phục vụ tốt hơn nữa cho phụ nữ mắc ung thư vú, những người bị ảnh hưởng liên quan và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Chúng tôi luôn khuyến nghị người bệnh trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về các quyết định trong quá trình điều trị của mình.