Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh các bệnh lý tuyến vú như: phương pháp chụp X quang tuyến vú, phương pháp siêu âm vú, phương pháp nhiệt ký, phương pháp chụp đồng vị phóng xạ….
1. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tuyến vú là gì?
Là những phương pháp khảo sát tuyến vú bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như X quang vú (chụp nhũ ảnh), siêu âm vú, chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú, xạ hình vú (SPECT), chụp xạ hình cắt lớp điện toán (PET-CT)…
Hiện nay tại Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, 3 kỹ thuật siêu âm, X quang và MRI vú được sử dụng một cách thường quy để chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú và còn có vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc tầm soát – phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm.
2. Bệnh lý nào nặng nề và đáng sợ nhất của tuyến vú?
Đó là ung thư vú! Bệnh lý đứng hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Tỉ lệ tử vong do ung thư vú chiếm con số cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới.
Thống kê ở Pháp, hàng năm phát hiện thêm khoảng 40.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú và hơn 10.000 trường hợp tử vong do ung thư vú. Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
3. Giá trị và sự chọn lựa của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong việc tầm soát – phát hiện sớm ung thư vú như thế nào?
Khác với phụ nữ Âu Mỹ có tỉ lệ mỡ trong tuyến vú nhiều hơn mô tuyến (loại vú mỡ), đa số phụ nữ châu Á có tuyến vú thuộc loại đặc (mô tuyến nhiều hơn mô mỡ). Một báo cáo gần đây ở Singapore khảo sát ở nhóm phụ nữ nguy cơ cao cho thấy độ đặc hiệu của siêu âm là 70,7%, X quang vú 75,6%. Điều này chứng tỏ X quang vú chiếm vai trò quan trọng trong phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ châu Á.
Khuyến cáo chung ngày nay là dùng X quang vú đầu tiên và siêu âm kết hợp với vai trò hỗ trợ sẽ nâng cao tỉ lệ phát hiện sớm ung thư vú.
MRI vú hiện nay có độ nhạy (96-100%) và độ chuyên biệt rất cao (>90%) nhưng giá thành còn khá đắt, thường được sử dụng khi X quang và siêu âm không xác định chắc chắn.
4. Nguyên tắc hướng dẫn tầm soát ung thư vú.
• Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo cho tất cả phụ nữ như sau :
➢ phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 39 :
• đến bác sĩ lâm sàng khám vú mỗi 3 năm
• tự khám vú mỗi tháng
➢ phụ nữ trong độ tuổi từ 40 trở lên :
• chụp X quang vú tầm soát định kỳ mỗi năm
• đến bác sĩ lâm sàng khám vú định kỳ mỗi năm
• tự khám vú mỗi tháng.
Đối với phụ nữ có tuyến vú loại đặc, nhất là thuộc nhóm nguy cơ, nên kết hợp siêu âm vú và/hay MRI vú.
• Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú:
➢ Tiền căn gia đình có người thân (mẹ, chị em ruột) bị ung thư vú :
• Nếu người thân bị ung thư vú sau 40 tuổi hoặc bị ung thư hai bên vú, nên bắt đầu chụp X quang vú định kỳ từ 30 tuổi.
• Nếu người thân bị ung thư vú trước 40 tuổi, nên bắt đầu chụp X quang vú định kỳ từ tuổi = tuổi của người thân bị ung thư vú – 10.
Ví dụ : Người thân bị ung thư vú lúc 36 tuổi, tuổi cần bắt đầu chụp X quang vú định kỳ là 26 tuổi.
• Tiền căn gia dình có ung thư buồng trứng
➢ Yếu tố khác :
• Dậy thì sớm (trước 13 tuổi)
• Mãn kinh trễ (sau 55 tuổi)
• Không có con hoặc không cho con bú
• Có con lần đầu muộn (sau 30 tuổi)
• Béo phì sau mãn kinh
5. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có gây ảnh hưởng sức khỏe hay nguy hại gì không?
Siêu âm và cộng hưởng từ do tính chất không phải là tia xạ nên hoàn toàn vô hại trên các máy được sử dụng trong Y khoa.
X quang vú ngày nay với liều tia xạ rất thấp, khoảng <1mSv/cuộc chụp, ít hơn rất nhiều lần liều tia xạ mà cơ thể hấp thu hàng năm từ môi trường thiên nhiên. Liều này ở mức rất thấp trong khoảng an toàn bức xạ, nên không có nguy hại đến sức khỏe.
6. Thời điểm nào là thích hợp nhất cho việc thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh?
Nói chung, do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ giới trong độ tuổi có kinh, mô tuyến vú trở nên đặc hơn và nhạy cảm (đau) hơn trong những ngày trước hành kinh. Vì vậy, để tránh các ảnh giả do ảnh hưởng nội tiết cũng như để giảm nhạy cảm khi khám vú bằng các kỹ thuật hình ảnh, bạn nên đi khám vú trong nửa đầu của chu kỳ kinh, tốt nhất trong khoảng 7 đến 10 ngày sau ngày hành kinh đầu tiên (chủ yếu đối với chụp X quang và chụp cộng hưởng từ vú).
7. Các kỹ thuật chẩn đoán này có gây khó chịu gì trong quá trình thực hiện cho người được khám không?
Chụp X quang vú, thường bạn ở tư thế đứng hoặc ngồi, vú sẽ được ép nhẹ giữa 2 bản ép của máy X quang, thường bạn chỉ có cảm giác bị ép chứ không đau. Các máy chụp thường có chế độ kỹ thuật tự động đảm bảo ép vú vừa phải không gây đau mà vẫn đạt yêu cầu về chất lượng hình ảnh.
Trong chụp cộng hưởng từ vú, bạn sẽ nằm sấp khá thoải mái trên bàn chụp có giá đỡ chuyên dụng, có khoét 2 lỗ để đặt tuyến vú 2 bên và được ép nhẹ để cố định tuyến vú. Hoàn toàn không gây đau đớn.
Khi làm siêu âm vú, bạn thường nằm ngửa, hai tay để cao lên đầu, đầu dò máy siêu âm quét nhẹ nhàng trên bề mặt da tuyến vú và vùng nách 2 bên thông qua một lớp gel mỏng để dẫn truyền tốt sóng âm. Kỹ thuật hoàn toàn không gây khó chịu và lớp gel được lau sạch hoàn toàn bằng giấy thấm thông thường, gel này không gây kích ứng da.
BS Vũ Tấn Đức – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Y Dược Tp. HCM
BS. Hồ Hoàng Thảo Quyên – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Y Dược Tp. HCM