Có lẽ từ trước đến nay, nói đến ung thư vú, nhiều người chỉ nghĩ đến phụ nữ. Nhưng điều đó không đúng.
Thực tế, ung thư vú ở nam giới vẫn gặp dù rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các trường hợp ung thư vú. Nói cách khác, ung thư vú ở nam giới thấp hơn so với nữ giới khoảng 100 lần.
Trong khi con số nữ giới bị mắc ung thư vú không giảm theo thời gian thì ở nam giới tỷ lệ phát sinh gần như không thay đổi trong suốt 30 năm qua. Theo ước tính, trong năm 2016 tại Mỹ có khoảng 2.600 ca ung thư vú xâm lấn được chẩn đoán ở nam giới, trong khi đó ở Anh là 350 và Úc là 150. Hằng năm có khoảng 440 nam ở Mỹ, 80 ở Anh và 27 ở Úc tử vong vì bệnh này. Tuổi trung bình của các ca ung thư vú ở nam giới là ở khoảng 60 – 70 tuổi, mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tại Úc, tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư vú ở nam giới là 85%.
Các nhà khoa học tuyên bố đã nhận diện được loại tế bào có thể phát triển thành ung thư. Đồng thời, một loại thuốc hiện có sẵn đủ khả ăn trì hoãn, thậm chí ngăn ngừa ung thư hình thành ở những người có nguy cơ cao.
Cấu trúc của tuyến vú ở nữ và nam giới không khác nhau ở tuổi trẻ em, cho đến kỳ dậy thì, ở các bé gái, nội tiết tố nữ oestrogen tiết ra từ buồng trứng giúp làm phát triển đặc tính và hình thể sinh dục nữ, làm cho các nang tuyến, thùy tiết sữa và mô quanh nang tuyến phát triển dần lên. Ngược lại ở trẻ nam, nội tiết tố nam testosterone tiết ra từ tinh hoàn làm ức chế quá trình phát triển tuyến vú. Chính vì lẽ đó mà ung thư vú đều có thể xảy ra ở hai giới, nhưng ở tỷ lệ khác nhau.
Ngoài núm vú, trên cơ thể đàn ông còn có một vài thứ vô dụng khác mà có thể được quy là nạn nhân của quá trình tiến hóa, theo Verywell.
Yếu tố nguy cơ chính yếu nhất của ung thư vú ở phụ nữ có lẽ là nội tiết tố sinh dục nữ, oestrogen. Hệ quả kéo theo là những yếu tố nào làm cho cơ thể phụ nữ kéo dài sự tiếp xúc với nội tiết tố này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú, thí dụ như tuổi hành kinh sớm, sử dụng thuốc ngừa thai, nội tiết tố trị liệu. Chính vì thế, ở nam giới, những người có nguy cơ tăng nội tiết tố nữ hoặc giảm nội tiết tố nam là các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc ung thư vú như hội chứng Klinefelter (thừa 1 nhiễm sắc thể nữ), tinh hoàn ẩn, viêm tinh hoàn do quai bị, bị cắt bỏ tinh hoàn; vú nở to, sử dụng nội tiết tố nữ trong trường hợp chuyển giới. Ngoài ra yếu tố di truyền (gen BRCA2) và gia đình, tuổi cao, tiếp xúc với phóng xạ hay béo phì cũng đều là những yếu tố nguy cơ đã được xác định.
Biểu hiện lâm sàng của ung thư vú ở nam giới cũng không khác mấy so với nữ giới nhưng triệu chứng kín đáo hơn. Biểu hiện hay gặp và dễ phát hiện nhất là khối u ở vú. Do tuyến vú ở nam giới rất nhỏ, nên khối u thường chỉ khu trú ngay ở phía dưới núm vú. Khối u của ung thư thường không đau. Các dấu hiệu khác của ung thư vú là: tụt núm vú vào trong, chảy máu hoặc xuất tiết dịch ở đầu núm vú, lở loét, đóng vảy hay đổi màu ở vùng da vú. Nhưng các triệu chứng này ít gặp ở nam giới hơn. Ngoài ra, các dấu hiệu toàn trạng của một chứng bệnh ác tính là: nổi hạch ở vùng nách, gầy sút nhanh chóng, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi không căn nguyên. Quy trình chẩn đoán và các phương thức điều trị ung thư vú ở nam giới cũng như ở nữ giới, tùy thuộc giai đoạn. Nhưng đối với nam giới, ung thư vú được phát hiện thường ở giai đoạn muộn.
Do tính phổ biến và tỷ lệ tử vong cao, ở nữ có chương trình tầm soát (sàng lọc) những người có nguy cơ cao nhằm chẩn đoán sớm như chụp quang tuyến vú (mammography) hoặc siêu âm tùy độ tuổi và độ nguy cơ. Tuy nhiên ở nam giới việc phát hiện sớm ung thư vú hoàn toàn lệ thuộc vào biểu hiện lâm sàng chứ không có chương trình tầm soát bệnh. Đối với những người có nguy cơ cao như trên thì việc thăm khám vú cẩn thận để phát hiện các triệu chứng ung thư vú nhằm chẩn đoán sớm là rất quan trọng. Cho đến hiện nay vẫn chưa có một phương thức phòng ngừa hay làm giảm nguy cơ hữu hiệu đối với ung thư vú ngoài việc thực hành lối sống khỏe, sống lành mạnh, cũng là biện pháp ngăn ngừa cho mọi loại bệnh tật nói chung.