Ngay khi đại dịch bùng phát tại Úc, chị Tara đã bắt đầu các hoạt động thiện nguyện từ nhỏ đến lớn. Quy mô ngày càng mở rộng và nhiều người được giúp đỡ. Với chị, Covid-19 đem đến sự giác ngộ trong tâm thức: Hạnh phúc và niềm vui đến từ những sẻ chia, yêu thương và đồng hành.
Chị Trần Thị Thuỳ Trang (Tara Trần) được vinh danh giải thưởng “Công dân của năm” tại Úc năm 2022 vì những nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong đại dịch vừa qua. Không những thế, chị còn là Nghị viên trẻ người gốc Việt tại Úc, đang vận động tranh cử ghế Dân biểu Liên bang trong kỳ bầu cử sắp tới.
Tình yêu nhân loại
Tháng 3.2020, dịch bệnh bùng phát tại Úc khiến người dân, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại đây gặp nhiều khó khăn. Chị Tara và một số người bạn đã đóng góp một khoản tiền để mua thực phẩm hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp đó, nhận thấy các vấn đề tâm lý trong thời kỳ phong toả cần được quan tâm, chị Tara đã mở lớp học tiếng anh dành cho người Việt. Người trong độ tuổi lao động sẽ đóng 5 đô-la/giờ, còn người lớn tuổi (trên 50) thì hoàn toàn miễn phí.
Tại lớp học, mọi người không chỉ được trau dồi kiến thức, chia sẻ câu chuyện cá nhân mà dần dần, sức khoẻ tâm lý được chăm sóc một cách chu đáo và chuyên nghiệp hơn. Các sinh viên và chuyên gia ngành tâm lý học cũng đã tham gia vào thời gian rảnh để hỗ trợ cộng đồng.
“Tara thật sự bất ngờ khi tên mình được xướng lên trong ngày trao giải. Thật sự rất vui, tự hào và xen lẫn bất ngờ. Tara tham gia công tác xã hội hỗ trợ cộng đồng vì tình yêu nhân loại, hoàn toàn chưa nghĩ đến việc nhận lại hồi đáp, nhất là giải thưởng cao quý và ý nghĩa như thế”, chị Tara chia sẻ về lý do tổ chức các hoạt động cộng đồng.
Không chỉ hỗ trợ về thực phẩm, lớp học, nhóm của chị Tara Trần còn giúp đỡ người lao động tại Úc. Đơn cử, tháng 6.2020, nhóm đã hỗ trợ một lao động nữ bị đứt tay phải do máy xay thịt. Về mặt pháp lý, nhóm hỗ trợ kết nối người lao động với luật sư và hoàn thiện thủ tục giấy tờ khi ra toà. Về mặt tâm lý, chị Tara và tình nguyện viên luôn bên cạnh động viên, chăm sóc người lao động.
Sau sự việc trên, tháng 8.2020, chị Tara quyết định thành lập hội đoàn thiện nguyện có tên là Vietlove INC. “Tình yêu của cộng đồng Việt dành cho nước Úc là tên tiếng Anh đầy đủ của tổ chức. Ý tưởng thành lập nảy sinh khi tôi tổ chức các hoạt động và gặp gỡ khá nhiều anh chị vẫn luôn mong muốn phục vụ cộng đồng, phục vụ nước Úc. Vì vậy, tôi thành lập Vietlove INC mục đích tạo thêm sự gắn kết cộng đồng, hỗ trợ và nhận hỗ trợ để mọi người cùng tham gia”, chủ giải thưởng Công dân của năm chia sẻ.
Vietlove INC bắt đầu tiếp nhận nhiều hồ sơ của nạn nhân bị bạo hành. Chị Tara là người có bằng cấp và kinh nghiệm nên hầu hết hồ sơ do chị trực tiếp xử lý. Hồ sơ ngày một nhiều hơn và do vậy, mảng hỗ trợ nạn nhân bạo hành ra đời.
Hạnh phúc là yêu thương
Một trong số trường hợp nhờ Vietlove hỗ trợ mà chị Tara nhớ nhất là câu chuyện của người mẹ trẻ xin ở nhờ nhà chị sau khi bị bạo hành. “Tôi nhận một hồ sơ, bị đánh đến chảy máu và có cảnh sát đến. Tôi, với tư cách nhân viên xã hội đã hỗ trợ phiên dịch cho luật sư và cảnh sát. Sau khi mọi chuyện ổn thỏa, bạn đó có qua xin ở nhờ nhà tôi vài hôm để mong có người hỗ trợ tinh thần. Bạn ấy có con nhỏ và sợ bản thân nghĩ quẩn thì không tốt cho hai mẹ con. Lúc đó tầm 11 giờ khuya, tôi cũng khá mệt tối đó nhưng khi nghe bạn nói “cần người bên cạnh để không nghĩ quẩn” thì tôi không suy nghĩ gì hết và nhận lời. Khi ấy, không biết năng lượng từ đâu đến, tôi bật dậy, sắp xếp giường và chỗ ngủ cho bạn đó. Nhà còn phòng trống để chứa vật đụng. Tôi dọn sạch, kê giường, đón hai mẹ con qua và trả luôn tiền taxi”
“Ôm bé con trong tay đi vào nhà, tôi thấy bé cười và tự nhiên tôi thấy hạnh phúc, bao mệt mỏi tan biến hết. Từ đó, tôi nhận ra rằng tiền không phải là tối cao của hạnh phúc, mà tình yêu thương mới là thứ giúp ta xác định được giá trị cuộc sống trong một tầm cao hơn. Đạt được tầm thức này thì thật sự khi ở đâu, hay làm gì mình cũng luôn có năng lượng tốt cho bản thân và luôn luôn hạnh phúc”, Người sáng lập Vietlove nói thêm.
Từ khi thành lập đến nay, Vietlove INC đã sở hữu group 20,000 thành viên và 65 người làm việc toàn thời gian, giúp đỡ hơn 4,000 hộ gia đình về hỗ trợ tâm lý, pháp lý, cung cấp thực phẩm mùa dịch, hỗ trợ cha/mẹ đơn thân, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên khắp nước Úc.
Các hoạt động của nhóm không giới hạn địa lý hay lĩnh vực. Nhóm đã từng góp quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam như: lũ lụt miền trung năm 2020, phát gạo thực phẩm cho bà con miền Tây và Sài gòn trong mùa dịch vừa qua.
Trong thời gian tới, chị Tara Trần sẽ hợp tác cùng BCNV với vai trò đại sứ chiến dịch SONG HÀNH. Đây là điều mà đội ngũ Mạng lưới ung thư vú Việt Nam cảm thấy vinh dự và tự hào. Chia sẻ về lý do nhận lời đồng hành cùng BCNV, chị Tara nói: “Tôi nghĩ, không phải khó khăn tiền bạc vật chất là điều duy nhất. Những căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư, các bạn còn cần sự động viên để có thêm sức mạnh chống chọi với cơn bệnh. Và Tara cũng có tham khảo về bộ môn tâm lý, thì Tara nghĩ tinh thần khỏe mạnh sẽ là liều thuốc tốt nhất cho tất cả chúng ta trong cuộc sống nhất là các bệnh nhân ung thư. Do vậy, Tara quyết định làm đại sứ cho chiến dịch SONG HÀNH và mong là chiến dịch thành công để các bệnh nhân có thêm nhiều hỗ trợ, hoạt động hơn nữa. Từ đó, cộng đồng chúng ta ngày càng gắng kết và phát triển hơn”.
Giá trị của yêu thương, sẻ chia và đồng hành cũng là điều mà BCNV mong muốn lan tỏa đến cộng đồng thông qua chiến dịch SONG HÀNH. Hãy chung tay cùng BCNV bằng cách chia sẻ câu chuyện đồng hành của chính bạn, hoặc bạn bè, người thân trong cuộc chiến chống ung thư.
Xem thêm