Xem clip ca nhạc của Ái Vân quay tại Hà Nội, thấy chị lộng lẫy và tràn đầy sức sống. Vậy mà cách đây 8 năm, chị đối diện với căn bệnh ung thư và đếm từng ngày mình sống, đã nghĩ đến phải dặn dò các con điều gì trước khi ra đi. Chị tâm sự về những ngày tháng đó của mình.
Gần đây, tôi nghe có những người rất nổi tiếng trong giới văn nghệ cũng mắc bệnh ung thư. Thành ra ai cũng thấy căn bệnh này là nỗi kinh hoàng. Trong thâm tâm, tôi rất muốn có một lúc nào đó được trình bày với những người đang mắc bệnh và cả những người mạnh khỏe về một điều, đó là dù nó có kinh hoàng đến mức nào, nhưng nếu biết vượt qua thì phép màu sẽ đến.
Bình thường, phụ nữ đến khoảng 35 tuổi trở lên mỗi năm phải đi khám định kỳ tổng quát một lần, tôi cũng trong trường hợp như vậy. Cách đây 8 năm, khi đi khám, bác sĩ của tôi phát hiện ra một khối u ở ngực, bác sĩ đề nghị tôi sắp xếp thời gian để mổ lấy u ngay. Nhưng, tôi chẳng thấy mình có dấu hiệu đau đớn gì cả, thấy mọi thứ vẫn bình thường lắm. Thời gian đó show của tôi rất nhiều, mà show ở bên Mỹ không như show ở Việt Nam, phải bay xa lắm, mỗi lần đi phải mất 2 tiếng, nhiều thì 5-6 tiếng, dứt khoát tôi không chịu mổ.
Sau đó 1 tháng tôi cũng không làm gì hết. 1 tháng sau bác sĩ gọi đến hỏi chị đã mổ chưa, tôi hỏi “mổ cái gì?”, mổ lấy “cái đấy” ra, nhưng tôi cứ cãi là không thấy gì cả. Nhưng tôi cũng nghe lời bác sĩ đi làm sinh thiết, cô y tá là người Việt nói: “Mẫu này em nhìn thấy không hề thích một tí nào cả, rất ái ngại, chị phải hẹn bác sĩ đi mổ ngay đi”. Lúc đó tôi hiểu rằng hễ mắc phải căn bệnh này là chết. Trong vòng 3 ngày tôi lấy hẹn và lên bàn mổ. Sau khi mổ hơn một tháng thì bắt đầu giai đoạn hóa trị, rụng tóc, lúc đó tôi cảm nhận cuộc sống đối với mình sắp kết thúc!
Bác sĩ báo tin tôi bị ung thư, chồng tôi trở về nhà. Anh ấy chăm sóc tôi tỉ mỉ một cách bất thường, như sắp đưa tôi về cõi bên kia…
Trước đây, tôi không có khái niệm gì về bệnh ung thư cả, chỉ nghĩ đó là bệnh hiểm nghèo, bị nghĩa là chết. Tôi xuống tinh thần lắm, tôi nghĩ cuộc sống đối với mình không tính theo năm tháng nữa mà tính theo từng ngày từng giờ. Tôi nghĩ cuộc sống gia đình sau khi không có mình trong cuộc đời này nữa thì những người còn lại sẽ như thế nào? Các con mình đi đến đâu? Làm sao để bố tôi nhận tin này mà không bị sốc quá?…
Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến người thân và muốn dành thật nhiều tình thương đối với những người thân yêu của mình. Nên thời gian ốm tôi vẫn cố chu toàn cơm nước, chợ búa cho cả nhà. Tôi không có cảm giác ăn ngon, chỉ thấy lợm giọng, cứ nhồi như nhồi vịt ấy, vớ được cái gì ăn là ăn không suy nghĩ, bởi chỉ muốn nôn ra. Nhưng tôi mong muốn cả nhà được vui vẻ nên cố làm sao cho mọi chuyện thật bình thường.
Mỗi ngày, tôi thấy tóc mình rụng đi một chút, tôi nghĩ đến chuyện phải cạo đi, nhưng làm sao để các con không bị sốc. Tôi nghĩ ra một cách là khi các con đi học về, tôi nói bây giờ có một trò chơi, mẹ đưa cho hai con con dao cạo, đứa nào cạo đầu nhanh nhất thì mẹ sẽ thưởng. Thế là hai anh em rất hào hứng, hồn nhiên cạo rất nhanh. Khi nhát cạo cuối cùng đã dứt, tóc mình rụng hết xuống, tôi nhìn vào gương mới cảm thấy sự khủng khiếp, đó cũng là lần tôi bị sốc rất nặng.
Nhưng lịch diễn của tôi vẫn dày đặc mà tôi không thể nào bỏ show được. Show bên kia mình đã hứa thì phải thực hiện, đã quảng cáo với khán giả thì mình phải giữ uy tín, với lại tôi nghĩ mình cũng cố được nên chỉ 10 ngày sau mổ tôi đã lên sân khấu. Dây nhợ lằng nhằng trong người nhưng tôi vẫn hát, vẫn nhảy. Lần làm hóa trị đầu tiên, tóc tôi bắt đầu rụng, lúc đó tôi con nhớ là mình hát bài Vỗ cái trống cơm, tôi vẫn phải tập múa với đội múa 1-2 tuần, đầu không còn sợi tóc nào cả, đội tóc giả để hát. Tôi không nghĩ hát sẽ là cách để tôi quên đi đau đớn, quên đi cái chết mà tôi đếm từng giờ, nhưng thật sự khi bước lên sân khấu thì quên hết, quên đau, quên tất cả mọi thứ.
Trong quá trình điều trị hóa trị, một bác sĩ nữ người Mỹ nói: “Chị đừng có lo, tai chị to lắm, chị còn sống lâu mà, đừng lo gì cả”. Tôi nghĩ, hóa ra người Tây mà cũng tin tướng số sao? Lúc ngồi cùng mấy người làm hóa trị khác cả tiếng đồng hồ, chúng tôi nói chuyện, tán dóc, đầu đội tóc giả, hát hò lung tung… Thực sự, khi bị bệnh, đời sống tinh thần rất quan trọng. Sau này tôi đã hiểu phép màu nhiệm nhất giúp tôi không bị xuống tinh thần chính là nghệ thuật, là sân khấu, vì thế rất nhiều người không biết tôi bị bệnh, thấy tôi vẫn hát hò trên sân khấu, bay show khắp nơi.
… Lúc đó tôi chỉ cố gắng hát, hát như thể ngày mai là ngày tận thế vậy. Lúc đó tôi cũng cảm nhận một điều là cuộc sống với mình thật là đẹp biết bao, hàng ngày những bận rộn của cuộc sống cuốn mình đi mình không để ý đến.
Tuy nhiên, cũng rất may là sau 4 tháng hóa trị thì tóc tôi dần mọc lại, tôi cũng dần quên đi những điều đã qua. Nhưng mỗi khi đứng trước gương thấy cơ thể mình không còn được đầy đặn như ngày xưa, tâm lý tôi rất nặng nề. Sau khi mổ bác sĩ nói: “Bà rất may vì khối u phát hiện sớm, chưa di căn. Bà phải uống thuốc trong 5 năm, nếu sau 5 năm mà bà thoát được nghĩa là đã khỏi”. Lúc đó tôi cũng nghĩ đó chỉ là lời an ủi thôi còn mình thì sắp chết. Nhưng, bây giờ tôi vẫn ở đây, đứng đây và hát cho khán giả của mình nghe thì đúng là phép màu đã xảy ra đối với cuộc đời tôi. Gia đình và nghệ thuật đã giúp tôi vượt qua và đứng vững.
Cho đến giờ, tôi có lời khuyên là phụ nữ đến tuổi này nên phải kiểm tra định kỳ thường xuyên. Phụ nữ Việt Nam mình thường không có ý thức bảo vệ sức khỏe, cứ bảo chẳng phải kiểm tra, kệ lúc nào chết thì chết.
Nhưng thực ra không phải như thế, nếu mình chết ngay lập tức còn may, nhưng cứ ăn dầm nằm dề mới là đáng sợ. Cần phải khám bệnh hàng năm, phải kiểm tra ngực mỗi tháng. Tôi thực sự đã rất may là phát hiện ra sớm. Tôi cũng rất hạnh phúc là cuộc sống văn nghệ hầu như không gián đoạn, chỉ mất đúng 10 ngày đầu. Nhưng tất nhiên sức khỏe không còn như hồi xưa được, mình vừa làm việc vừa nghe ngóng cơ thể, để nghỉ ngơi khi mệt, phải củng cố nó, tập luyện thể thao, ăn uống sinh hoạt hợp lý.
Tôi rất “ngấm” câu hát của Trịnh Công Sơn: “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng”. Tôi đã cận kề cái chết nhiều lần, mới thấy cuộc đời đúng là vô thường. Cuộc đời không biết như thế nào cả, mình gặp chuyện bất trắc gì đó, một căn bệnh ập đến với mình rất nhanh chóng, nhưng cuộc sống mỗi ngày đều có cái mới và phải tận hưởng nó.
Trước đây tôi không hiểu về nhạc Trịnh lắm, vì hồi trẻ cuộc sống rất phẳng lặng, mặc dù là chiến tranh, gian khổ, nhưng được gia đình rất cưng chiều, cảm thấy cuộc đời màu hồng lắm. Sau này trải qua nhiều thăng trầm, biến cố mới ngấm vào từng câu từng chữ, mới cảm nhận được, so với một Ái Vân thời trẻ êm đềm, thì Ái Vân bây giờ cảm thấy biết ơn cuộc sống nhiều hơn!
Ca sĩ Ái Vân – Theo Thể Thao Văn Hóa