Những lời khuyên vào mẹo vặt dưới đây được tổng hợp dựa trên trải nghiệm của những phụ nữ mắc ung thư vú. Họ chia sẻ và mong muốn, những phụ nữ đồng cảnh tham khảo, áp dụng nếu thấy phù hợp để thêm phần lạc quan, chiến đấu kiên cường hơn đồng thời vượt qua giai đoạn truyền hóa chất một cách dễ chịu nhất, ít đau đớn nhất.
Hóa trị liệu là một trong những phác đồ gây đau đớn, mệt mỏi cho bệnh nhân ung thư nhất. Tuy nhiên, việc chủ động chuẩn bị cho quá trình hóa trị liệu sẽ giúp bạn tự tin, lạc quan hơn và ít cảm thấy cảm giác muốn bỏ cuộc trong giai đoạn đầy khó khăn, thách thức này. Hãy cân nhắc khi muốn áp dụng một trong số những mẹo vặt và lời khuyên dưới đây:
1. Hãy cắt tóc thật ngắn trước đợt truyền hóa chất đầu tiên: Bạn đừng cạo đầu ngay lúc bắt đầu truyền hóa chất. Cân nhắc cắt tóc ngắn khi hóa trị liệu bắt đầu, sau đó mới cạo khi tóc bắt đầu rụng (thường thì khoảng 2 đến 3 tuần sau đợt truyền đầu tiên) để giảm cảm giác bị sốc khi nhìn thấy đầu mình trọc lốc.
2. Mua tóc giả hoặc mượn tóc ở những tổ chức hỗ trợ phụ nữ mắc ung thư vú: Đừng mua tóc khi chưa bắt đầu truyền hóa chất. Bởi vì, khi đội vào một cái đầu lúc tóc đã rụng hết trông khác hẳn với khi đội mà trên đầu vẫn còn tóc thật. Hoặc bạn có thể liên hệ để mượn miễn phí từ thư viện tóc giả của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam để tiết kiệm một phần chi phí điều trị.
3. Chống nôn: Hãy uống các loại thuốc chống nôn do bác sĩ kê để tránh tối đa việc bị nôn. Nhưng tránh các miếng dán chống nôn ở tay để ngăn ngừa việc làm tổn thương ven ở gần cổ tay, cẳng tay nếu phải để miếng dán quá lâu. Hoặc có thể thử một vài cách chống nôn dân gian từ thảo dược mà bạn biết hoặc tham khảo được.
4. Chống táo bón: Táo bón là một trong những tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu. Sử dụng các phương pháp tự nhiên để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ táo bón. Cần ăn uống đủ chất nhưng chú ý tăng cường rau xanh, chất xơ, thực phẩm giúp nhuận tràng, uống nhiều nước nhất có thể và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Với những người thể trạng yếu, không nên ăn cá sống, các loại gỏi và rau sống hoặc củ quả để nguyên vỏ.
5. Làm một ít đá viên bằng nước sạch đã đun sôi hoặc làm các loại thạch tự nhiên để dùng khi truyền hóa chất. Một trong những tác dụng phụ của hóa chất là làm thay đổi vị giác. Nhiều người có cảm giác rất thèm đồ lạnh, nhất là nước uống có đá.
6. Sơn móng tay, chân: Nếu bạn phải truyền thuốc Taxotere (ký hiệu là T trong FEC-T), hãy sơn móng tay, móng chân tối màu từ khi bắt đầu hóa trị liệu cho đến khi kết thúc. Việc sơn móng tay, móng chân sẽ giúp không nhìn thấy việc móng bị thâm đen và ngăn ngừa bị long móng. (Không hề gây hại khi sơn móng cho nhiều hình thức hóa trị khác).
7. Ngủ đủ: Ngủ, ngủ và ngủ. Cố gắng đừng đụng đến các phương tiện kỹ thuật, máy móc. Những đêm đầu tiên sau mỗi đợt truyền thường cảm thấy như người say rượu có tiền sử đau nửa đầu mãn tính vì thế, ngủ nhiều nhất có thể. Bạn có thể tập thiền, tụng kinh niệm phật hoặc tập thư giãn để có thể ngủ tốt hơn.
8. Giật xả bồn cầu toa lét ít nhất 2 lần sau khi sử dụng: Đậy nắp bồn cầu rồi xả ít nhất 2 lần nước. Việc đó sẽ giúp bạn giữ gìn vệ sinh và tránh bị các viêm nhiễm gây ra bởi các hóa chất cơ thể thải ra ngoài qua đường vệ sinh.
9. Tránh chỗ đông người hoặc gần người ốm, trẻ em: Đề kháng của cơ thể trong quá trình truyền hóa chất thường yếu dễ nhiễm bệnh do vậy tránh chỗ đông người hoặc người ốm để tránh các vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ lây bệnh. Đối với trẻ em, hạn chế (thậm chí không nên) ôm ấp, hôn hít trong thời gian ít nhất 1 tuần đầu tiên sau khi truyền hóa chất để tránh cho các bé nguy cơ ảnh hưởng bởi hóa chất.
10. Dùng kem dưỡng da tự nhiên, không mùi để giúp da sáng, khỏe và tươi tắn hơn. Khi bạn cảm thấy mình vẫn đẹp, vẫn giàu sức sống trong quá trình truyền hóa chất, bạn sẽ có nhiều sức mạnh hơn để chống chọi với hóa chất.
11. Duy trì một vài hoạt động thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe và điều kiện sẽ giúp cơ thể dẻo dai và giảm mệt mỏi, thể chất sẽ được tăng cường để chiến đấu tốt hơn với hóa trị liệu.
12. Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng hai lần mỗi ngày, sử dụng loại nước súc miệng tự nhiên để giảm viêm loét miệng. Đồng thời tránh các thức ăn cay, nóng để giảm nguy cơ bị lở miệng.
13. Mở lòng, đón nhận sự giúp đỡ, yêu thương của mọi người xung quanh. Bạn chẳng có lỗi gì khi mắc ung thư cả, cũng chẳng phải do nghiệp chướng hay tội lỗi trong kiếp trước bạn đã gây ra. Được yêu thương và giúp đỡ, bạn sẽ cảm thấy thời gian hóa trị liệu trôi nhanh hơn.
14. Hãy mỉm cười và cười thật nhiều, đó là phương thuốc hữu hiệu để giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn. Và sự thật là mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua đi.
BCNV dịch vả tổng hợp từ www.cancer.org.uk; breastcancer.org
and Breast Cancer Site
BCNV 2/2014
BCNV cố gắng hết sức trong khả năng có thể để cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất cho những người Việt Nam không may mắc ung thư vú.
Tuy nhiên BCNV không thể đảm bảo hay chịu trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý về tính cập nhật hay hoàn chỉnh của những thông tin này, cũng như không chịu trách nhiệm về các mất mát, tổn thương nếu có khi sử dụng thông tin trong bài viết. Tuy vậy, BCNV chào đón và trân trọng mọi góp ý mang tính xây dựng từ chuyên gia, bác sĩ, người bệnh và những người có quan tâm để bài viết chuẩn mực và có giá trị khoa học để phục vụ tốt hơn nữa cho phụ nữ mắc ung thư vú, những người bị ảnh hưởng liên quan và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Chúng tôi luôn khuyến nghị người bệnh trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về các quyết định trong quá trình điều trị của mình.