Cách thể hiện tình yêu với những người tôi yêu
Thủy Tiên (hàng dưới ngồi đầu tiên từ trái sang).
“Tôi đã ước gì chị gái tôi còn sống để biết tôi được Tạp chí Forbes Việt Nam lựa chọn vào danh sách 30 gương mặt trẻ tài năng Việt Nam dưới 30 tuổi năm 2016. Đây không phải sự ghi nhận cho cá nhân tôi, mà cho cả sự nỗ lực của chị gái tôi trong thời gian còn sống với sự góp sức của hàng trăm cánh tay tình nguyện – Mạng lưới ung thư vú Việt Nam”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thủy Tiên – cô gái trẻ hiện đang quản lý và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam – BCNV).
Thay đổi cuộc đời
Thủy Tiên đang kế thừa công việc của chị gái Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey) – một nữ giảng viên đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, sau khi đi du học về, chuẩn bị làm lễ cưới đã phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, Khánh Thương không hề bế tắc, buồn nản khi biết mình bị căn bệnh này mà ngược lại cô luôn sống lạc quan, và cũng từ đó cô tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh và có những hoạt động tích cực giúp cho nhiều người hiểu rõ hơn về nó. “Mạng lưới ung thư vú Việt Nam” đã ra đời như vậy.
Trước khi tiếp nối công việc hiện tại của Thương Sobey, Thủy Tiên bộc bạch, cô từng sống, học tập tại Đà Lạt và quyết định sẽ lập nghiệp, mua nhà cửa để đưa bố mẹ vào sống cùng vì “mê” cuộc sống và con người hiền hòa nơi đây. Thế nhưng, cuối năm 2012, khi Thủy Tiên ra Bắc giúp chị Thương chuẩn bị đám cưới, rồi cũng chính cô là người chở chị đi lấy kết quả xét nghiệm ở bệnh viện vào ngày 20.10. “Kết quả xét nghiệm ấy đã thay đổi không chỉ cuộc đời chị tôi mà cả cuộc đời tôi. Tôi đã quên đi Đà Lạt, quên đi ý định lập nghiệp, xây dựng cuộc sống ở đó” – Thủy Tiên nói.
Sau khi Khánh Thương ra đi vào tháng 3.2015, Thủy Tiên đã tiếp tục công việc của người chị giàu nghị lực ấy, bởi “đó là cách thể hiện tình yêu với những người tôi yêu. Không có một ai, bao gồm cả chị ấy, đề nghị hay yêu cầu tôi phải bỏ ước mơ hay dự định của mình để sống vì chị ấy cả”.
Nhiều người gặp Thủy Tiên đều ngỡ ngàng vì sự giống nhau đến kinh ngạc của cô và chị gái. Cũng cái đầu trọc, cũng nụ cười tỏa nắng, nhưng cô gái trẻ nói rằng: “Tôi không cạo tóc để cho mình trông thật giống chị. Chị tôi sinh ra, lớn lên và rồi không may mắc căn bệnh ung thư vú, nhưng chị ấy cũng mang trên mình cả một sứ mệnh lớn lao, gây dựng và kết nối một tổ chức dành riêng cho những bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam, và thắp lửa niềm tin yêu và hy vọng sống cho hàng triệu người trên đất nước mình. Tôi tin rằng chị ấy đã để lại nhiều thứ tốt đẹp cho cuộc đời này, và mỗi người đã từng gặp hay biết về chị ấy sẽ có một cách nhớ rất riêng của chính họ. Và như thế sẽ không cần đến một cái đầu trọc hay một gương mặt hao hao để buộc họ phải nhớ về chị ấy”.
Sẽ làm đến khi hoàn thành sứ mệnh
Ba năm gắn bó với BCNV, “thủ lĩnh” trẻ Thủy Tiên đã đạt được những bước tiến đáng kể. Năm 2014, BCNV được công nhận là một thành viên của Tổ chức kiểm soát ung thư toàn cầu (UICC), mặc dù ở Việt Nam BCNV chưa có tư cách pháp nhân như một tổ chức phi lợi nhuận độc lập. Cho tới nay, tổ chức đã có nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức và rất nhiều các hoạt động chia sẻ về ung thư vú cho rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Hàng nghìn suất tầm soát ung thư vú miễn phí được kết hợp với các cơ sở y tế trong cả nước, xây dựng và hình thành các hỗ trợ cho bệnh nhân và người thân… “Tất cả các công việc đều không có sẵn nguồn kinh phí và nguồn nhân sự luôn chỉ có một đến hai người – đó đều là những công việc ban đầu cả tôi và chị mình chưa bao giờ mường tượng ra nổi mình có thể làm được” – Thủy Tiên chia sẻ.
Thủy Tiên luôn tâm niệm: “Có thể đó là sứ mạng mà tôi đang được kế thừa và có thể cũng giống như chị mình, tôi sẽ không làm nữa khi đã hoàn thành xong sứ mệnh”.