Ngày 17-3 năm ngoái, Nguyễn Khánh Thương (Thương Sobey) đã qua đời tại Australia vì căn bệnh ung thư vú. Sẽ không có gì quá đặc biệt nếu Thương Sobey không phải là người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam – BCNV) với mục tiêu kết nối, chia sẻ, giúp đỡ… cho những bệnh nhân ung thư vú Việt Nam. Chị Thương cũng là người viết thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam trình bày những khó khăn thiếu thốn của bệnh nhân ung thư. Lá thư ấy và rất nhiều những bài viết chia sẻ của Thương Sobey đã gợi lên cảm hứng sống tích cực, lạc quan cho rất nhiều phụ nữ mắc ung thư vú.
Thương Sobey không còn, nhưng em gái chị – Nguyễn Thủy Tiên, lại là người được truyền cảm hứng sống và lòng can đảm của chị. Thủy Tiên tiếp tục điều hành hoạt động của BCNV với nhiều chương trình đầy tính nhân văn và có tiếng vang lớn trong cộng đồng: “Chiến dịch nơ hồng”, “Thư viện tóc”… Thủy Tiên vừa được Trung ương Đoàn đề cử vào tốp 20 để bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015. Trước đó, Tiên lọt vào tốp 30 under 30 của tạp chí Forbes Việt Nam, vinh danh những đóng góp trong lĩnh vực xã hội, đặc biệt cho những công việc mà chị đang nỗ lực làm cho cộng đồng bệnh nhân ung thư vú trong 3 năm qua.
Với Thủy Tiên, tất cả những bất hạnh của đời sống có thể ập đến với mỗi người bất kỳ lúc nào, nhưng trên hết, lạc quan và tích cực đối diện với chúng mới là tài sản lớn lao nhất mà mỗi con người có được. Tài sản này, như chị nói, chị đã được thừa hưởng từ người chị xinh đẹp và can đảm của mình trong hơn 3 năm chiến đấu cùng căn bệnh ung thư vú.
“Việc của mình là xanh”
* Thủy Tiên muốn được biết đến với vai trò người điều hành của BCNV hay đơn giản chỉ là em gái của chị Thương Sobey? Tình yêu thương với người chị gái dẫn Thủy Tiên đi theo con đường này hay là sự nhận thức của bản thân sau nhiều trải nghiệm về căn bệnh đặc biệt này?
– “Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”
Đây là bốn câu thơ của bài thơ Lá xanh của Nguyễn Sĩ Đại mà tôi rất thích. Tôi và chị mình đơn giản chỉ đang làm những điều mình mong muốn được làm với một sự kiện bất ngờ xảy đến với cuộc đời mình, trước tiên điều đó là vì chính chúng tôi. Vì chúng tôi mong được làm nó, chúng tôi chỉ đang làm tốt phận sự của chính mình, của một cá thể độc lập tồn tại trong xã hội. Còn sau này nó ích cho nhiều người hơn thì đó là một điều tốt.
Không có lý do nào buộc tôi phải đi tiếp con đường này, bao gồm cả chị gái tôi, vì chị ấy không yêu cầu hay dẫn dắt tôi đi theo bất kỳ lựa chọn nào cả. Tôi làm vì đơn giản là tôi muốn làm và sẽ không còn làm nữa khi nguồn cảm hứng và sự thôi thúc trong tim mình không còn thúc giục mình tiếp tục.
* Thủy Tiên có từng nghĩ mình sẽ đi con đường mà Thủy Tiên đang đi không? Để làm được những điều hiện tại, Tiên phải từ bỏ những điều gì? Chị thấy mình “được” hay “mất”?
– Chị tôi chắc chắn không bao giờ lựa chọn bị mắc ung thư vú để trở thành người khởi xướng các hoạt động dành cho bệnh nhân ung thư vú hay để được xã hội tôn vinh, được gọi tên như một vị “anh hùng”. Chị cũng chưa bao giờ yêu cầu tôi phải giúp đỡ chị, cũng chưa bao giờ định hướng, dẫn dắt tôi đi theo tôi đi theo các hoạt động của BCNV. Vì nó là một căn bệnh không may mắc phải, không phải mong muốn hay định hướng con đường nghề nghiệp của tôi. Đối với chị tôi, đây là một sự kiện thay đổi cuộc đời, và với tôi cũng là một cột mốc lớn, dẫn tôi theo theo một ngã rẽ khác và thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi.
Bạn quyết định điều gì nếu đó là quyết định của chính mình, với bản năng trong con người bạn thôi thúc, với cả khối óc quyết đoán thì lúc đó chắc chắn sẽ không có sự đắn đo “được”, “mất”.
* Thủy Tiên học được những điều gì từ người chị gái đặc biệt? Chị có bao giờ chán nản, hối hận vì mình chọn đi một con đường quá khó khăn không?
– Chị tôi là một người phụ nữ bình thường như bao người con gái khác, sinh hoạt, làm việc, yêu thương, hờn ghét… như mọi người thôi. Tôi luôn học hỏi từ mọi thứ xung quanh, từ những con người mà tôi được gặp trên chặng đường mình đã đi qua và đang đi. Một cách nhìn tích cực khác thì tôi biết ơn việc căn bệnh ung thư vú tới gõ cửa gia đình mình, để tôi biết trân quý từng giây phút sống đang trôi qua hàng ngày, để luôn giữ vững giữ lạc quan trong mọi hoàn cảnh trớ trêu và những bất trắc trong cuộc đời. Đó là một tài sản quá lớn mà tôi được thừa hưởng từ chị gái của mình.
Cuộc sống luôn ẩn chứa đầy thách thức cho dù bạn đang ở vai trò xã hội nào. Chán nản, thất vọng có lẽ đó là cung bậc cảm xúc mà ai cũng sẽ trải qua nếu phải đối mặt với những rào cản, thách thức lớn, hay cả với những mất mát, thất bại. Nhưng chắc chắn khi đã quyết định làm một điều gì đó thì trong từ điển của tôi không có từ “hối hận”.
* Ở những giây phút cuối cùng của chị Thương Sobey, sự lạc quan và tình yêu thương có mất đi không?
– Chị ấy đã mỉm cười sau hơi thở cuối cùng và vẫn là nụ cười thật đẹp như khi còn sống.
Phụ nữ đẹp khi là chính họ
* Thủy Tiên xuống tóc và khuyến khích nhiều người phụ nữ xuống tóc, sáng lập thư viện tóc như một cách để ủng hộ tinh thần những phụ nữ bị ung thư vú. Điều này ban đầu có gây sốc cho những người xung quanh?
Nguyễn Thủy Tiên sinh năm 1988, là người đồng sáng lập, quản lý và điều phối hoạt động tổ chức Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Thủy Tiên tốt nghiệp khoa luật (Trường đại học Đà Lạt). Khi chị gái Tiên bị ung thư vú, Tiên ra Hà Nội chăm sóc chị. Từ những khó khăn thực tế của người bị ung thư vú, Tiên và chị gái đã sáng lập và điều hành dự án Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam. Cho đến nay, mạng lưới đã tổ chức được nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng về căn bệnh ung thư vú với nhiều chương trình và hội thảo cung cấp các thông tin về ung thư vú, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng về căn bệnh này. |
– Tôi cạo tóc là quyết định rất cá nhân, chứ không để tạo ra một trào lưu gì chú ý nào trong xã hội cả. Xin lưu ý là tôi chưa bao giờ khuyến khích bất kỳ người con gái, người phụ nữ nào xuống tóc cả. Thư viện tóc (tôi không muốn dùng từ “giả” ở đây, vì bạn dùng một thứ gì đó “giả” trên người thường thì chắc là bạn không muốn để người khác biết. Hơn nữa, đây là một trải nghiệm về một căn bệnh mà không ai muốn có và thậm chí là nhiều người trải qua rồi sẽ không bao giờ muốn nhớ về nó) là một hỗ trợ, một nhu cầu cần thiết cho bệnh nhân ung thư nói chung nếu phải trải qua phác đồ điều trị hóa chất.
* Trải qua nhiều thứ, đâu là vẻ đẹp ở người phụ nữ mà Thủy Tiên đánh giá cao?
– Mỗi người mỗi góc nhìn, mỗi trải nghiệm sẽ có một định nghĩa riêng về cái đẹp cho riêng họ. Hơn nữa, quan niệm về cái đẹp cũng thay đổi qua từng thời kỳ, trong đó có thể là từng thời kỳ lịch sử và từng thời kỳ về tuổi tác của người phụ nữ. Còn với từng cá nhân cụ thể thì tôi thấy họ đẹp khi họ là chính họ.
* Hoạt động của BCNV hiện tại ra sao? Có những khó khăn gì? Mạng lưới sẽ có những bước đi nào tiếp theo?
– Sau khi chị tôi qua đời, các hoạt động của BCNV vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Chắc chắn sẽ có rất nhiều thách thức và gian nan phía trước nhưng tôi sẽ dẫn dắt mạng lưới với tinh thần luôn tiến bước.
Trong thời gian tới, tôi đang tìm kiếm và có mong muốn đạt được một học bổng ở nước ngoài về quản trị phát triển để nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý, vận hành tổ chức và các kỹ năng thiết yếu trong ngành truyền thông, PR và marketing của doanh nghiệp xã hội, góp phần duy trì sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững cho mạng lưới.
* Xin cảm ơn chị!