Suốt 15 năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày và ung thư vú, với chị Hiển, ung thư không phải là chấm hết, chỉ cần có niềm tin vào bác sĩ và nghị lực sẽ vượt qua mọi bệnh tật.
Tột cùng nỗi đau, bệnh tật đeo bám
Lần đầu nghe bác sĩ Việt Hương – khoa Nhi, bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) nhắc đến bệnh nhân Hán Thị Hiển (SN 1976, ở xã Văn Lương, huyên Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chiến thắng 2 căn bệnh ung thư dạ dày và ung thư vú, chúng tôi thật sự ngưỡng mộ và mong một ngày được gặp chị để trực tiếp nghe chị chia sẻ bí quyết chiến thắng căn bệnh quái ác này.
Thế nhưng, khi nghe chị Hiển tâm sự về những biến cố mà chị phải trải qua suốt 15 năm qua, lòng tôi như thắt lại. Chỉ có thể dành cho chị sự ngưỡng mộ, cảm phục đến tột cùng. Tôi chưa từng chứng kiến ai mà trải qua quá nhiều đau khổ như vậy.
Năm 1995, chị Hiển sinh bé trai đầu lòng. Rồi đến năm 1999, chị sinh bé thứ 2 nhưng không may bé mắc tim bẩm sinh và qua đời. Sự ra đi của đứa con bé bỏng khiến chị suy sụp, ốm đau triền miên. Bố mẹ chị phải đón con về nhà chăm sóc. Sau khi khỏe hơn, chị nghĩ sẽ sinh thêm một cháu cho “có nếp có tẻ”. Cuối năm 2002, chị Hiển sinh con sau chín tháng mang nặng đẻ đau. Ai ngờ, đứa bé “phận mỏng” cũng rời bỏ chị mà đi khi mới được 17 ngày tuổi vì xuất huyết não. Tột cùng của nỗi đau, chị Hiển lúc nào cũng như người vô hồn, sức khỏe ngày càng xuống dốc.
Khi đứa con thứ 3 mất cũng là lúc chị thấy trong người có những dấu hiệu bất thường. Sau nhiều lần đắn đo, chị Hiển tìm xuống viện 108 để thăm khám. Tại đây, chị được bác sĩ thông báo tin “sét đánh” – chị mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Thế nhưng, chị không hề sốc mà vui vẻ đón nhận và cho rằng bác sĩ bắt đúng bệnh đã là hạnh phúc lắm rồi.
“Tôi vẫn nhớ như in, đầu năm 2003, tôi được bác sĩ báo tin mắc ung thư nhưng tôi không hề lo sợ. Thực ra, lúc đó tôi có biết ung thư là bệnh gì đâu, tưởng cũng như những căn bệnh khác, phát hiện ra rồi thì điều trị thôi”, chị Hiển vui vẻ kể. Sau đó, chị đã phải cắt bỏ 4/5 dạ dày và điều trị tại bệnh viện trong 3 tháng.
Tinh thần là liều thuốc giúp chị Hiển chiến thắng ung thư (Ảnh nhân vật cung cấp).
Sau khi điều trị, chị Hiển vẫn đi kiểm tra định kỳ và dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, do cắt 4/5 dạ dày, ăn uống kiêng khem nên chị sụt mất 12kg. Phải mất 2-3 năm sau, chị Hiển mới dần hồi phục sức khỏe. Thế nhưng, chỉ sau một năm khi phẫu thuật, chị lại phải đối diện với nỗi đau lớn trong cuộc đời, đó là bố đẻ chị qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến người phụ nữ gần như sụp đổ hoàn toàn.
Tưởng chừng sau khi chiến thắng ung thư dạ dày, cuộc sống của chị sẽ trở lại bình thường, nhưng bệnh tật vẫn chưa buông tha. “Hồi đó là khoảng tháng 3/2006, khi đang tắm, tôi sờ thấy một cục u nhỏ ở ngực trái. Là người đã từng mắc một căn bệnh ung thư nên tôi cuống cuồng bắt xe xuống Hà Nội khám. Kết quả khiến tôi chết đứng. Bác sĩ nói tôi bị ung thư vú ác tính, giai đoạn di căn và đây là căn bệnh mới, không liên quan gì đến ung thư dạ dày trước đó. Tôi phải nhập viện điều trị”, chị Hiển ngậm ngùi chia sẻ.
Năm 2007, khi đang truyền hóa chất đợt 4 (phải truyền 6 đợt – PV), chị Hiển được tin chồng mắc bạo bệnh. Nén nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, chị bỏ dở điều trị hóa chất để dồn tiền chữa bệnh cho chồng. “Khi đó tôi nghĩ mình ung thư giai đoạn cuối, chẳng sống được là bao, nên bằng mọi cách, tôi vay mượn để điều trị cho chồng với hy vọng sau này chồng sẽ thay tôi chăm sóc các con”, chị Hiển kể lại.
Khi chồng ở viện, chị Hiển vừa chăm sóc chồng vừa đi làm thêm để có tiền trang trải viện phí. Sau 2 năm chống chọi với bệnh tật, chồng chị đã ra đi vì căn bệnh viêm gan cấp tính. Sự ra đi của người chồng khiến chị Hiển như “thân tàn ma dại”, bệnh ung thư vú đã tái phát mạnh và lan rộng. Chị nghĩ mình sẽ chết nhưng nhìn giấy ghi nợ đã vay chữa bệnh cho chồng và con còn nhỏ, chị không dám chết.
Nghe chị Hiển tâm sự mà tôi không kìm được cảm xúc, cuộc đời chị đúng là một “tấn bi kịch”.
Vừa nằm viện vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải viện phí
Không có tiền để xuống viện điều trị tiếp, chị Hiển đi bốc thuốc Nam về uống. Không những thế, chị còn để thầy lang dùng gai bưởi khêu bỏ khối u. Khối u ở ngực ngày càng loét ra, to như quả táo. Dù có đau đớn, chị vẫn cố đi làm thuê kiếm tiền.
Cho đến một ngày khi sức cùng lực kiệt, chị Hiển bị ngất giữa đường và được mọi người đưa về nhà. Lúc đó, gia đình mới biết vết thương trên ngực chị và đưa xuống viện cấp cứu, nhưng bệnh viện trả về. Bác sĩ tiên liệu chị không qua được, gia đình đưa về nhà. Cả đêm hôm đó, chị Hiển thoi thóp thở và cận kề cái chết.
Sáng hôm sau, gia đình đưa chị Hiển xuống viện K. Khi nhìn thấy chị Hiển, ngay cả các bác sĩ cũng phải ngỡ ngàng, vì sao người phụ nữ có sức sống kỳ lạ thế. Suốt quãng thời gian điều trị tại bệnh viện, chị Hiển phải cố gắng gượng đi làm thuê cho các cửa hàng gần viện để có thêm tiền điều trị. Nằm viện, khát khao sống của chị lại nhân lên gấp bội khi nghĩ về con. Chị nghĩ chỉ cần sống thêm 1 ngày, con chị sẽ còn mẹ và không rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cứ nghĩ thế, chị gạt bỏ hết tất cả, chỉ còn nghị lực ham sống.
Chị Hiển luôn luôn có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua, mình sẽ chiến thắng bệnh tật (Ảnh nhân vật cung cấp).
Đến năm 2012, sau khi kết thúc quá trình điều trị được 1 năm, trong một vụ tai nạn, cậu con trai của chị bị gãy chân tưởng chừng phải cắt bỏ. Khi đó, chị chỉ nghĩ đến con và tìm mọi cách để “cứu” đôi chân cho con. Bất hạnh đã biến thành nghị lực giúp chị vượt qua bệnh tật. Và ông trời đã ngó đến số phận của chị, suốt từ năm 2012 đến nay, chị Hiển đã kiểm soát được căn bệnh ung thư.
Chị Hiển nghẹn ngào: “Tôi cho rằng cuộc đời ai cũng chết một lần, ai cũng phải trải qua những nỗi đau, có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi. Vì thế, hãy đối diện với sự thật, hãy chiến đấu với bệnh tật và luôn luôn có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua, mình sẽ chiến thắng”.
Khi PV Người Đưa Tin hỏi bí quyết nào giúp chị vượt qua 2 căn bệnh ung thư, chị Hiển vui vẻ nói: “Tâm lý chính là liều thuốc hỗ trợ đắc lực nhất giúp tôi vượt qua những tác dụng phụ của điều trị ung thư. Tôi luôn xác định sống 1 ngày cũng phải cho ra sống”.
Nguồn: Đ.Thơm-H.Lan – Báo Mới