Ung thư vú sau điều trị, kiêng ăn gì?

Bạn đọc Nguyễn Nha Trang, 45 tuổi, ngụ ở Củ Chi (TP.HCM) gửi thư thắc mắc. Trong thư chị Trang cho biết bị ung thư vú, đã hoá trị 4 chu kỳ và xạ trị 25 lần. “Tôi xin đại diện một nhóm chị em cũng bị ung thư giống tôi nêu một số thắc mắc. Mong bác sĩ vui lòng giải thích để chúng tôi được rõ. Hiện chúng tôi rất hoang mang, lo sợ”, chị viết.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã nhờ TS.BS Trần Văn Thiệp, trưởng khoa điều trị ngoại 3 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trưởng bộ môn ung thư học khoa y đại học Y dược TP.HCM có đôi lời trao đổi cho những thắc mắc này, mong rằng hữu ích cho cả những bạn đọc khác.

Trong giai đoạn vô hoá chất, khi vô thuốc xong về nhà, qua hôm sau nếu ăn nho thì coi như công cốc phải không?

Hiện nay với các bệnh nhân được hoá trị hay xạ trị, các bác sĩ thường khuyên không uống các chất chống oxy hoá, vì chất này bảo vệ tế bào bình thường của cơ thể khỏi bị gây độc thì cũng có thể làm giảm tác dụng của hoá trị, xạ trị đối với tế bào ung thư. Trái nho có chất chống oxy hoá (resveratrol ở vỏ và polyphenol ở hạt) nên nhiều bệnh nhân không dám ăn nho trong lúc điều trị. Tuy nhiên, ăn một vài trái nho thì không đến nỗi làm mất tác dụng của thuốc.

Ung thư vú sẽ tái phát sau một năm?

Sau điều trị, ung thư vú có thể tái phát tuỳ giai đoạn bệnh và một số yếu tố khác liên quan tới đặc điểm sinh học của cơ thể. Nếu tái phát thì thường xảy ra trong hai năm đầu sau điều trị, tuy nhiên việc theo dõi tái phát cần được thực hiện theo định kỳ và lâu dài.

Tại sao tôi được chỉ định uống thuốc Tamoxifen năm năm, còn có chị bị giống hệt thì bác sĩ không cho uống? Thuốc này theo tờ hướng dẫn có tác dụng phụ nguy hiểm như ung thư tử cung… Vậy tôi không uống có được không?

Chị được chỉ định uống Tamoxifen năm năm là điều đáng mừng vì xét nghiệm định thể ER, PR của chị dương tính, do đó thuốc mới có tác dụng làm giảm tái phát ung thư. Bạn của chị không được cho uống thuốc này có thể do xét nghiệm ER, PR âm tính nên việc dùng thuốc này không có lợi ích.

Khi đang vô hoá chất lần ba thì tôi bị mất kinh và bác sĩ điều trị nói uống Tamoxifen sẽ làm mất kinh luôn. Nếu đang uống thuốc mà có kinh thì rất nguy hiểm. Vậy “nguy hiểm” ở đây có phải là ung thư tử cung không?

Khi đang hoá trị mà bị mất kinh là do tác dụng của hoá chất. Tình trạng mất kinh tuỳ thuộc vào loại hoá chất điều trị. Tamoxifen cũng có tác dụng làm chu kỳ kinh nguyệt ít đi. Đang điều trị Tamoxifen mà có kinh nguyệt kéo dài và bất thường nên được khám phụ khoa để đánh giá tác dụng phụ của thuốc có làm dày nội mạc tử cung hay không. Tuy nhiên, ung thư nội mạc tử cung gây ra do dùng Tamoxifen rất hiếm gặp: chỉ 1 – 2/1.000 với thời gian điều trị và theo dõi lâu dài. Chị nên yên tâm điều trị vì Tamoxifen làm giảm tái phát ung thư vú rất cao.

Nếu bị ung thư vú thì không được ăn các sản phẩm làm từ đậu nành phải không? Trên mạng và một tờ báo có đăng bài như thế?

Trước đây các nghiên cứu cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành có chứa isoflavone là chất giống như estrogen có thể làm ung thư vú phát triển. Nhưng isoflavone cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú, nhất là bệnh nhân châu Á như chúng ta. Chị có thể yên tâm uống sữa đậu nành và ăn đậu hũ nếu thích.

Cần tránh ăn những món gì và nên ăn những gì để tốt cho sức khoẻ? Bệnh này sau khi điều trị xong thì sống được bao nhiêu năm nữa? Nghe nói không được ăn thịt bò vì thịt bò nuôi tế bào ung thư mau phát triển, có đúng không?

Sau điều trị ung thư vú, nếu có chế độ ăn và luyện tập phù hợp sẽ góp phần làm giảm tái phát ung thư cũng như các lợi ích khác cho cơ thể. Bệnh nhân nên dành thời gian tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, đơn giản nhất là đi bộ, tránh tăng cân, béo phì. Cần ít ăn thịt đỏ nói chung vì có nhiều chất béo không tốt cho sức khoẻ nói chung, chứ không phải ăn thịt bò sẽ nuôi tế bào ung thư mau phát triển như chị đã nghe nói. Ngoài ra, nên ăn nhiều trái cây, cá và ngũ cốc, kể cả đậu nành.

Chúc chị sống khoẻ.

TS.BS Trần Văn Thiệp (Theo SGTT)