Bà Karen Lanyon – Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM – khẳng định như vậy khi đối thoại với Mạng lưới ung thư vú Việt Nam để kêu gọi cộng đồng tự bảo vệ mình nhân ngày ung thư thế giới (4.2.2018)
Bà là người sống sót sau ung thư vú, cũng phải trải qua quá trình phẫu thuật, hóa trị, xạ trị như bao bệnh nhân khác, từng đồng hành cùng Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) trong sự kiện Ngày hội nón hồng 29.10.2017 để sẻ chia câu chuyện của bản thân và tiếp lửa cho cộng đồng bệnh nhân tiếp tục chiến đấu trên con đường của mình
Hành trình đồng hành cùng BCNV:
* Làm thế nào bà biết đến Mạng lưới ung thư vú Việt Nam? Bà đánh giá như thế nào đối với hoạt động của BCNV cũng như cảm xúc của bà khi tham gia chương trình Ngày hội nón hồng 29.10.2017?
Năm ngoái, khi có dịp gặp gỡ Tiên – sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam và câu chuyện của chị gái cô ấy đã qua đời vì ung thư vú. Là một người sống sót sau ung thư, tôi lập tức muốn đồng hành và giúp đỡ phát triển Mạng lưới này ở Việt Nam.
Ngày hội nón hồng là một chương trình tuyệt vời và đọng lại nhiều cảm xúc khi phụ nữ có thể ngồi lại và chia sẻ câu chuyện và động lực sức mạnh của họ. Tôi đã khóc vì nỗi đau đã qua và rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Rất tuyệt vời!
Con đường chiến đấu khó khăn được tiếp lửa bởi gia đình
* Bà đã nghi ngờ bản thân có khả năng mắc phải bệnh ung thư vú dù chưa có kết luận của bác sĩ bà đã làm như thế nào để tìm ra nó? Ngay trong giây phút biết mình mắc ung thư vú, bà đã suy nghĩ những gì và cảm xúc lúc đó ra sao?
Tôi đã đi thẳng đến gặp mặt bác sĩ và liệt kê ra những triệu chứng và làm các xét nghiệm chuẩn đoán như chụp nhũ ảnh, siêu âm, MRI và sinh thiết. Cho đến khi tôi được chuẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2, di căn sang 7 hạch bạch huyết, đất trời tưởng như sụp đổ và tôi không thể tin được nó có thể xảy ra với mình khi tôi còn quá trẻ. Tuy nhiên, điều tôi biết là mình không bao giờ bỏ cuộc, tôi phải chiến đấu cho những điều tôi muốn trong cuộc sống. Tôi thực hiện quá trình trị liệu, giải phẫu cắt bỏ vú trong vòng một tuần ở Singapore và quay trở lại Úc về hóa trị và xạ trị, tiếp tục điều trị bằng thuốc và kiểm tra trong 9 năm qua. Tôi có thể thành thật nói rằng tôi sẽ không bao giờ đạt được nó mà không có sự ủng hộ của chồng tôi, gia đình và bạn bè.
“Tôi phải chiến đấu cho những điều tôi muốn trong cuộc sống”
– Bà Karen Lanyon –
* Rụng tóc và thậm chí phải phẫu thuật cắt ngực, kèm theo đó là rất nhiều biến chứng, tác dụng phụ làm thay đổi tới diện mạo bên ngoài – vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó là cú sốc với nhiều người, bà có cảm thấy như vậy?
Không, tôi không hề. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được sống! Tóc hay bộ ngực cũng chỉ là vẻ bề ngoài. Nó không phải là điều cốt yếu định nghĩa bạn là phụ nữ! Tôi đã chấp nhận nó và thậm chí lạc quan về nó.
* Bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ở Việt Nam rất sợ ánh nhìn thương hại của người khác, điều đó khiến họ cảm thấy tuyệt vọng, bà có từng đối diện với điều này không?
Muốn được tôn trọng, bạn phải tôn trọng chính mình. Chính bạn cần không cảm thấy mặc cảm vì bản thân. Tôi đã nói về căn bệnh của mình một cách cởi mở, thậm chí còn đội tóc giả màu sáng và cố gắng lan tỏa sức mạnh.
* Sau khi phục hồi, bà đã quay lại với công việc thay vì nghỉ ngơi hoàn toàn, đó có phải là một quyết định mạo hiểm? Bà làm thế nào để giữ sức khỏe luôn ổn định?
Tôi đã không quay lại làm việc ngay. Tôi dành 1 năm nghỉ việc để hồi phục và được hỗ trợ rất nhiều từ đồng nghiệp. Tôi dành nhiều thời gian để luyện tập, ăn uống lành mạnh và không uống rượu bia hay hút thuốc trong thời gian điều trị. Không phải tất cả chị em phụ nữ đều có thể may mắn như vậy nhưng tôi luôn đề nghị các bạn nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Gia đình và bạn bè sẽ hỗ trợ sẻ chia gánh nặng cho bạn.
* Tỷ lệ mắc UTV ở Việt Nam hằng năm rất cao, nhưng người dân Việt Nam (bao gồm cả bệnh nhân mắc căn bệnh này) thì chưa có sự hiểu biết nhất định và rất ngại khi đề cập tới vấn đề này. Bà có lời nhắn gửi nào dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú ở Việt Nam, cũng như những người khỏe mạnh hay không?
Tôi phải nói rằng chúng ta nên được trang bị kiến thức về căn bệnh này, hãy đặt câu hỏi cho bác sĩ của bạn và phản đối khi bạn không đồng ý với lộ trình điều trị. Vì đây là cơ thể của bạn. Kêu gọi thực hiện cho các chương trình giáo dục cộng đồng và chương trình trường học cho các trẻ em gái và chương trình tầm soát vú miễn phí
*Sắp tới là ngày ung thư thế giới 4/2, bà có muốn nhắn gửi điều gì cho người dân Việt Nam không?
Ung thư không phải trò đùa hay là chuyện ngày một ngày hai. Hãy luôn chiến đấu với nó!
Mạng lưới ung thư vú Việt Nam