Tìm kiếm

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

Nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên có những yếu tố được xác định là nguy cơ tăng khả năng phát triển ung thư vú ở phụ nữ. Bao gồm 2 nhóm nguy cơ: Nguy cơ không thể tác động và nguy cơ có thể thay đổi.

Các nguy cơ không thể tác động:
Là phụ nữ

Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú cao hơn nam giới 100 lần [7], dù cấu tạo vú của cả hai giới là giống nhau, đều có núm vú, mô mỡ, tế bào vú và ống dẫn. Khi ngực của phụ nữ trưởng thành trong tuổi dậy thì, chúng phát triển các tiểu thùy và ống dẫn sữa hoạt động để sản xuất và mang sữa sau khi sinh con. Hầu hết ung thư vú khởi phát từ ống dẫn và tiểu thùy [9], trong khi mô vú của nam giới chủ yếu là mô sợi và mô mỡ, nên đó có thể là một lý do khiến nam giới ít gặp ung thư vú hơn phụ nữ. 

Khác biệt về cấu tạo vú của phụ nữ và đàn ông (Bên phải: Nữ giới; Bên trái: Đàn ông). Ảnh: Verywell

Ngoài ra nồng độ estrogen trong cơ thể cao hơn cũng được cho là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ [7].

Tuổi

Nguy cơ phát triển ung thư vú tăng lên theo tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 50 tuổi cứ 62 người sẽ có 1 người nguy cơ mắc ung thư vú. Tỷ lệ này tăng lên là 1/42 ở độ tuổi 50 – 60, 1/28 ở độ tuổi 60 – 70 và 1/26 ở phụ nữ trên 70 tuổi. Nam giới hầu hết mắc ung thư vú từ 60 tuổi trở lên [8].

Tiền sử gia đình

Trong gia đình có người thân bị mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng thì tỷ lệ nguy cơ mắc của bạn sẽ tăng lên. Nếu có một người thân cấp độ 1 (mẹ, chị gái, em gái, con gái) bị ung thư vú, nguy cơ sẽ tăng gấp đôi. Nếu có hai người thân cấp độ 1 cùng mắc bệnh, thì nguy cơ tăng gấp 5 lần. Yếu tố nguy cơ tăng cao hơn khi những người thân này mắc ung thư vú trước tuổi 50 và bị ung thư cả hai vú [7].

Di truyền

Khoảng 5 – 10% các trường hợp ung thư vú do di truyền. Hầu hết các trường hợp ung thư vú không di truyền, nhưng một số gen tăng nguy cơ phát triển ung thư vú như BRCA1 và BRCA2 có thể truyền từ cha mẹ sang con. 72% phụ nữ có thay đổi di truyền trong gen BRCA1 có nguy cơ phát triển ung thư vú khi 80 tuổi. Với gen BRCA2 tỷ lệ này là 69% [8].

Các gen TP53 và CHEK2 cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú.

Từng có các tổn thương hoặc bất thường ở vú

Phụ nữ đã từng bị ung thư vú tại chỗ hoặc xâm lấn có nguy cơ phát triển ung thư ở bên vú còn lại hoặc cùng vú đó.

Những tổn thương lành tính có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú như: Quá sản tuyến vú (Là sự phát triển quá mức của các tế bào lót biểu mô các ống dẫn trong tuyến vú, hoặc các tế bào lót của các tiểu thùy. Có hai loại quá sản: Quá sản thông thường – các tế bào phát triển giống với các tế bào bình thường. Quá sản không điển hình – các tế bào phát triển một cách rối loạn), phì đại tuyến vú (kích thước vú tăng bất thường do sự phát triển quá mức của mô tuyến vú và các tổ chức mỡ xung quanh, khối lượng vú vượt quá 3% khối lượng cơ thể), u nhú, khối u xơ nang phức tạp. 

Đã từng bị ung thư biểu mô thùy tuyến vú tại chỗ (LCIS) làm tăng nguy cơ phát triển ung thư xâm lấn ở cả hai vú lên tới 21%, và có khả năng xảy ra trong dài hạn 15 – 20 năm hoặc hơn thế nữa [4].

Lượng estrogen trong cơ thể

Cơ thể càng tạo ra nhiều estrogen theo thời gian thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao [2,3]. Đồng nghĩa với việc phụ nữ có kinh sớm (trước 12 tuổi), hoặc mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), hoặc mang thai muộn (sau 30 tuổi), hoặc không mang thai sẽ làm tăng mức estrogen và tăng nguy cơ ung thư trong suốt cuộc đời.

Mật độ vú đặc (mô tuyến vú đặc)

Mật độ vú phản ánh sự tương quan giữa thành phần các mô của vú như số lượng mô xơ (nâng đỡ tạo nên cấu trúc vú – mô đặc), mô tuyến (sản xuất sữa – mô đặc), với số lượng mô mỡ (lấp đầy khoảng trống giữa các mô xơ và mô tuyến – mô không đặc) trên kết quả chụp nhũ ảnh.

Bầu vú của người phụ nữ được tạo thành từ hàng ngàn các tuyến nhỏ (tiểu thùy). Mô tuyến này chứa mật độ các tế bào vú cao hơn các mô vú khác. Phụ nữ mô vú đặc có nguy cơ nhiều tế bào phát triển ung thư hơn. Việc chụp X-quang tuyến vú cũng khó phát hiện những bất thường hơn. 

Bức xạ 

Tiếp xúc với xạ trị trước tuổi 30 làm tăng nguy cơ ung thư [5]. 

Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES)

 DES là thuốc phòng ngừa sảy thai được kê cho phụ nữ mang thai trong những năm 1940 – 1971. Sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra mối liên quan giữa DES và ung thư biểu mô tuyến tế bào, thuốc này đã bị ngừng sử dụng. Ngày nay, DES được biết đến như một chất hóa học làm rối loạn nội tiết gây ung thư, hoặc dị tật bẩm sinh, bất thường khác trong các nghiên cứu.

Nếu phụ nữ có sử dụng thuốc này sẽ tăng nguy cơ ung thư vú cho bản thân và cho chính người con của mình [10].

Các yếu tố nguy cơ không thể tác động. Ảnh: American Cancer Society
Các nguy cơ có thể thay đổi:
Thuốc tránh thai

Phụ nữ đã từng sử dụng thuốc tránh thai làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú (khoảng 7%). Nguy cơ gia tăng chủ yếu trong giai đoạn sử dụng thuốc và giảm dần trong 10 năm sau khi ngừng sử dụng thuốc. Rủi ro cao hơn ở phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai sớm trước tuổi 20 [14].

Liệu pháp thay thế hormone (HRT)

Liệu pháp thay thế hormone cho phụ nữ sau mãn kinh nhằm giảm các triệu chứng mãn kinh (bốc hỏa, mệt mỏi) và giảm tình trạng mất xương. 

HRT có hai loại là dạng phối hợp estrogen và progestin, hoặc riêng estrogen. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế hormone phối hợp làm tăng nguy cơ ung thư vú khoảng 75% sau 2 – 3 năm sử dụng. Liệu pháp estrogen đơn thuần cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú nhưng chỉ khi thời gian sử dụng trên 10 năm [9,11].

Những người chuyển giới sử dụng thuốc giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ cũng tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.

Thừa cân, béo phì

Béo phì ở phụ nữ sau khi mãn kinh là một yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc ung thư vú. Yếu tố này không phải là nguy cơ đối  với phụ nữ trước mãn kinh [6].

Uống rượu

Phụ nữ uống 1 ly rượu mỗi ngày nguy cơ ung thư vú rất thấp. Nhưng nếu uống từ 2 – 3 ly mỗi ngày, nguy cơ sẽ tăng hơn khoảng 20% [8].

Hút thuốc

Phụ nữ bắt đầu hút thuốc khi càng trẻ thì nguy cơ ung thư vú càng cao. Nguy cơ tiếp tục gia tăng ít nhất 20 năm sau khi ngừng hút thuốc [12].

Ít vận động

Hoạt động thể chất 30 – 60 phút mỗi ngày giúp giảm 25-30% nguy cơ ung thư vú [13].

Các yếu tố lầm tưởng gây ung thư vú

Dưới đây là một số yếu tố được lầm tưởng là làm tăng khả năng mắc ung thư vú, nhưng đều không có cơ sở khoa học.

  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng ức chế tiết mồ hôi và khử mùi khó chịu cơ thể
  • Mặc áo lót có gọng
  • Phá thai hoặc sẩy thai
  • Mang đa thai
  • Sử dụng cà phê và các chất có chứa caffeine
  • Sử dụng thuốc nhuộm tóc
Thay đổi những thói quen hàng ngày để giảm nguy cơ ung thư vú. Ảnh: Begaldaily

Như vậy chúng ta thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh lại không nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ, hoặc một số người có nguy cơ cao nhưng lại không mắc bệnh. Tại sao lại như vậy, hoặc nguyên nhân gây ung thư vú là gì vẫn đang được khoa học nghiên cứu.

Trong lúc này, việc quan trọng hơn chúng ta cần làm để bảo vệ cho chính mình là có những thông tin hiểu biết chính xác, thay đổi những yếu tố nguy cơ có thể, thực hiện tầm soát sớm ung thư vú theo định kỳ. 

__________________

Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV)

Thực hiện: DS. Nguyễn Vũ Nguyệt Minh

Biên tập: Lê Đặng Phương Dung

Lần chỉnh sửa gần nhất: 6/9/2021

Tài liệu tham khảo:

  1. American Cancer Society:
    https://www.cancer.org/content/dam/cancer-org/research/cancer-facts-and-statistics/breast-cancer-facts-and-figures/breast-cancer-facts-and-figures-2017-2018.pdf
  2. Endogenous Estrogens and Breast Cancer Risk:
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1469902/pdf/envhper00328-0037.pdf 
  3. Estrogen metabolism with breast cancer risk
    https://cancerres.aacrjournals.org/content/77/4/918 
  4. LCIS and Breast Cancer Risk
    https://www.breastcancer.org/symptoms/types/lcis/cancer_risk 
  5. Radiation and breast cancer
    https://breast-cancer-research.biomedcentral.com/articles/10.1186/bcr970 
  6. Obesity and the Risk for Premenopausal and Postmenopausal Breast Cancer
    https://cancerpreventionresearch.aacrjournals.org/content/canprevres/5/4/515.full.pdf 
  7. Breast Cancer Risk Factor
    https://www.breastcancer.org/risk
  8. Risk of development cancer
    https://www.breastcancer.org/symptoms/understand_bc/risk/understanding
  9. What is breast cancer
    https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/what-is-breast-cancer.htm
  10. Diethylstilbestrol (DES) and cancer
    https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/hormones/des-fact-sheet  
  11. Menopausal hormone therapy and breast cancer risk
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2755180/ 
  12. Smoking and risk of breast cancer
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5698948/ 
  13. Physical activity and breast cancer risk
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3076351/ 
  14. Oral Contraceptives and Cancer risk
    https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/risk/hormones/oral-contraceptives-fact-sheet 

Xem thêm:

Bệnh nhân ung thư có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Tải miễn phí Sổ tay sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 của ĐH Y Dược TP.HCM